DI CHUYỂN CÓ CHỦ ĐÍCH KHI THUYẾT TRÌNH & 5 ĐIỀU CẦN LƯU Ý.
Nên đứng 1 chỗ hay di chuyển khi thuyết trình?
Nếu có di chuyển thì di chuyển sao cho hiệu quả?
Làm thế nào để kiểm soát hành động xoay người, nhún người, đổi trọng tâm trên đôi chân?
Nếu bạn đã từng đặt câu hỏi này cho chính mình thì bên dưới là sẽ là câu trả lời hữu ích gửi đến bạn.
Trong thuyết trình trước đám đông thì việc di chuyển là điều cần thiết, góp phần tạo nên sức hút và tương tác với người nghe. Hiệu quả của việc di chuyển này sẽ càng tăng cao khi chúng ta Di Chuyển Có Chủ Đích.
Di chuyển có chủ đích nghĩa là ta biết rõ mục tiêu vì sao ta lại di chuyển. Các bạn tập đứng tại chỗ thuyết trình mà không được di chuyển, chính là bước đầu tiên cần luyện tập để tiến tới việc di chuyển có chủ đích.
Một trong những lỗi thường gặp của chúng ta khi thuyết trình trước là: ĐỨNG MỘT CHỖ đến nổi mọc rễ, mà ta hay nói vui là “trồng cây si” (tùy 1 số bối cảnh thì ta nên đứng 1 chỗ). Và ngược lại là DI CHUYỂN QUÁ NHIỀU – DI CHUYỂN KHÔNG CÓ CHỦ ĐÍCH khiến người nghe “chóng cả mặt, mỏi cả mắt”.
Bên Dưới Là Những Điều Chúng Ta Nên Lưu Tâm:
Đầu tiên, Để Di Chuyển Có Chủ Đích, trước tiên bạn hãy ĐỊNH VỊ TRÍ thuận tiện nhất, nơi mà không che mất màn hình, nơi mà bạn có thể quan sát tất cả người nghe. Nếu như địa điểm trình bày bạn biết trước thì thật tốt, còn nếu chưa biết, bạn hãy đến sớm trước 30 phút và làm quen với sân khấu, bục trình bày, việc cảm nhận trước này rất quan trọng. Trường hợp xấu nhất, bạn cũng không thể đến sớm hơn được hoặc vì 1 lý do gì đó bạn không thể “thăm dò” trước sân khấu được, thì trong vài phút đầu của buổi chia sẻ bạn hãy quan sát bục giảng/sân khấu/khu vực dành cho người trình bày…Thật nhanh chóng, hãy nắm những thông số sau:
- Chiều ngang, chiều dài, diện tích của sân khấu/khu vực bạn trình bày là tầm bao nhiêu mét?
- Khoảng cách từ vị trí “đẹp nhất bạn đứng” đến vị trí gần nhất và xa nhất của khán giả ngồi là tầm bao nhiêu mét?
- Khoảng cách từ vị trí bạn đứng đến khu vực âm thanh, máy laptop, máy chiếu…là bao nhiêu mét?
- Sau đó, hãy thật nhanh chóng quan sát và phân tích những con số đó vì sẽ có lợi cho bạn rất nhiều khi bước vào trình bày/đào tạo/chia sẻ v.v…ít nhất là cũng giúp bạn tự tin hơn đúng không nào? Và xa hơn đó là điều này góp phần giúp chúng ta trở thành 1 nhà đào tạo, nhà huấn luyện, 1 người chia sẻ, 1 người thuyết trình chủ động, 1 người đào tạo thạo nghề.
Tiếp theo, khi trong đầu chúng ta đã “biết rõ địa bàn hoạt động” của mình rồi. Bước tiếp theo là học cách DI CHUYỂN CÓ CHỦ ĐÍCH – mục tiêu là giúp cho chuyển động của chúng ta thật nhuần nhuyễn, tự tin, tự nhiên và hiệu quả.
Có 4 lưu ý trong việc rèn việc "di chuyển có chủ đích khi thuyết trình":
Lưu ý 1: Hãy định ra 1 số vị trí nhất quán/then chốt/điểm nóng mà chúng ta sẽ thường xuyên lui tới cho các phần khác nhau của bài trình bày.
Lưu ý 2: Đừng có đi tắt. Chúng ta đang trình bày, chứ không phải đang tham gia cuộc đua, hay là luồn lách bất kỳ hẻm hóc nào để cố thoát khỏi con đường đang kẹt cứng xe như những con đường ở Việt Nam chúng ta mỗi ngày chứng kiến. Chúng ta không nên đi xoẹt qua bàn này, rồi xoẹt qua bàn khác, hay vòng đi vòng lại, đi tới đi lui giữa bục giảng nếu như chúng ta không muốn người nghe “ói vì chóng mắt”.
Lưu ý 3: Hãy di chuyển trong khi chúng ta chuyển ý và bắt đầu nói lại khi bạn dừng ở 1 vị trí mới. Điều này, giúp cho người nghe kịp phân tích lời ta vừa nói, và chúng ta cũng có thêm thời gian suy nghĩ về mạch sẽ nói tiếp theo là gì và trông chúng ta chuyên nghiệp hơn.
Tuy nhiên, sẽ có đôi lúc chúng ta muốn di chuyển xa hơn thì chúng ta có thể vừa di chuyển vừa nói. Nhưng, khi chúng ta đến điểm mới rồi, bạn hãy dừng lại vài nhịp thở để chỉnh đốn tư thế, mình sẽ trông chỉnh chu hơn và cột hơi lúc đó của ta cũng đã trở về cần bằng, không bị vồ vã hoặc bị lơ lớ khi phát âm, người nghe lại tưởng nhầm mình đang mất tinh thần.
Lưu ý 4: Với nhiều người thường có thói quen là di chuyển quá nhiều, nhún người, xoay người, hoặc chuyển trọng tâm từ chân này sang chân kia…điều bất ngờ là bản thân học viên cũng không nhận ra mình “đang trong trạng thái cơ thể như thế”. Cho đến khi học viên được xem lại video clip của chính họ vừa trình bày. Đầu tiên, học viên được yêu cầu đứng yên 1 chỗ, kiểm soát sự di chuyển đến mức tối đa. Tiếp theo học viên sẽ được thực hiện những bài tập nhanh chóng và đơn giản để việc di chuyển có chủ đích in sâu vào não bộ. Một mặt, học viên chuyển sự tập trung sang việc sử dụng ngôn ngữ của đôi tay, biểu lộ cảm xúc trên khuôn mặt. Dần dần, việc di chuyển có chủ đích của học viên đã thành thói quen, học viên biết khi nào cần di chuyển, cách để di chuyển hiệu quả, khi nào cần dừng lại. Hơn hết, học viên được huấn luyện để việc di chuyển đó kết hợp với điệu bộ trên gương mặt, ngôn ngữ tay và ngữ điệu phù hợp trong từng bối cảnh.
Lưu ý 5: Chúng ta cũng cần nghiên cứu để nắm được mục tiêu của việc: đứng đối diện hay đứng bên cạnh người nghe mang ý nghĩa gì? Di chuyển theo hình chữ nhật mang ý nghĩa gì? Di chuyển hình chữ V mang ý nghĩa gì? Nguyên tắc "Có tiến thì phải có lùi" là gì?
Cuối cùng, Việc Di Chuyển Trên Sân Khấu, Hay Di Chuyển Về Phía Người Nghe Để Tương Tác là một kỹ thuật cực kỳ uy lực khi ta cần nhấn mạnh những ý chính, tạo mối liên kết cá nhân sâu sắc hơn và hơn thế nữa là truyền cảm hứng, tạo cảm xúc mạnh mẽ cho người nghe.
Do đó, hãy tập cách ĐỨNG IM & SAU ĐÓ DI CHUYỂN CÓ CHỦ ĐÍCH để hướng đến 1 người trình bày, 1 nhà đào tạo lành nghề.